Về chúng tôi



Cô gái Tây Nguyên như trong bài thơ vậy - thật hồn nhiên sống với núi rừng, cây cỏ, suối ngàn
Bây giờ nhìn lại hình ảnh cô gái trong hình minh họa mà nhớ quay quắt chi lạ
Sống với thiên nhiên mình bỗng dưng ngây ngô lắm và cũng thanh thản vô cùng vì trời đất mênh mông, thác tràn, sông suối tung tăng, để rồi mình cảm thấy mình trẻ lại ... Đôi khi mình chợt thấy mình như cánh hoa dại ven đường hay lá cỏ lung linh sương sớm men theo lối mòn đi quen ...
Hồi xưa đi học mà cúp cua là NT trốn xuống suối, xuống rẫy chứ không có mon men đi ciné đâu

Có bao giờ sẽ có một ngày Trang Thơ hội tụ nhau bên cạnh cái rẫy khoai, rẫy bắp, bên con suối trong veo hay đứng vẫy tay với trời xanh nơi đầu ngọn thác không nhỉ ?

Cô gái Tây Nguyên xuống đồi vai gùi bầu nước suối, hình ảnh thật tươi mát làm ta nhớ đến núi rừng bản làng Buôn thượng một thời xa xưa!

Cô gái Tây Nguyên xuống núi đồí!
Cỏ rừng hoa dại nhoẻn cười môi!
Mừng em duyên dáng gùi khoai sắn
Bầu bí vai gầy vẻ tinh khôi!

“Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa Pơ Lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”
 



Câu hát ngân vang trong bài hát “Em là hoa Pơ Lang” của Nhạc sĩ Đức Minh đã gợi nhớ về hình ảnh những cô gái Tây Nguyên được ví von như những bông hoa Pơ Lang rừng rực rỡ, tươi thắm, nhắc nhớ về các loài cây mang tính biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên.

Biểu tượng cho những cô gái vùng đất bazan

Hoa Pơ Lang còn có nhiều tên gọi khác là hoa Gạo (cách gọi của người Việt) hay hoa Mộc Miên (cách gọi của người Hoa). Cây Pơ Lang thuộc họ gạo có gai và bạnh vè ở góc. Lá kép chân vịt mọc so le. Hoa màu đỏ kết thành chùm có đặc điểm là nở trước khi ra lá, quả nặng to. Hạt có nhiều lông như sợi bông. Đây là loài thực vật phổ biến rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên. Không chỉ nhiều về số lượng mà Pơ Lang còn gắn liền với đời sống, tâm hồn của người Tây Nguyên như một thực thể tâm linh quan trọng.

Chuyện xưa kể lại rằng: “Thuả xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết và trong ngày vui khi nhà chàng trai mang lễ vật sang cầu hôn nhà cô gái thì bất ngờ có cơn mưa lớn cuốn trôi đi tất cả khiến việc nên duyên của đôi trẻ không thành. Quá uất ức họ cùng dựng cây nêu để chàng trai lên trời tìm Yàng hỏi rõ nguyên cớ. Trước khi đi chàng có buộc vào tay cô gái một dải lụa đỏ thay lời thề nguyện sẽ nhất định trở về bên cô. Đáng tiếc thay, sau khi lên gặp được Yàng vì thấy sự tài năng và đức độ của chàng trai Yàng đã giữ chàng ở lại làm thần nhưng kể từ đó chàng trai không bao giờ được trở lại hạ giới để gặp cô gái nữa. Ở nhà cô gái hàng ngày, hàng ngày mong ngóng nhưng bóng dáng người thương vẫn biệt vô âm tín. Quá đau buồn cô tìm đến cây nêu năm xưa quyết tâm đi lên trời tìm gặp người yêu nhưng cây nêu cao quá, đường lên trời lại xa thăm thẳm cô thì mỏng manh lực kiệt. Cuối cùng cô mất đi, hoá thân thành loài cây bên cạnh cây nêu và dải lụa đỏ trên tay cô đã hóa thành những bông hoa Pơ Lang rực rỡ tươi thắm”.

Gắn bó với đời sống của đồng bào Tây Nguyên

Phải chăng bắt nguồn từ câu chuyện tình mang màu sắc huyền thoại kia mà từ đó Pơ Lang đã gắn liền với lễ hội, đời sống của người Tây Nguyên một cách khăng khít. Tương truyền khi tổ chức lễ hội, đồng bào dựng cây nêu giữa sân buôn làng (cây linh thông giữa người và thần linh) luôn trồng bên cạnh một cây Pơ Lang non, kết thúc lễ hội cây Pơ Lang đó sẽ được di dời trồng sang một chỗ khác, nếu cây non đó phát triển tốt tươi thì chắc chắn những lời nguyện cầu của buôn làng năm đó sẽ thành hiện thực.

Còn một chi tiết rất thú vị về mối liên hệ giữa cây Pơ Lang và cuộc sống buôn làng Tây Nguyên là đồng bào quan niệm khi đến một buôn làng muốn biết nơi đó giàu mạnh như thế nào chỉ cần đếm số lượng Pơ Lang được trồng ở sân trước nhà Rông vì Pơ Lang càng nhiều chứng tỏ buôn làng đó đã từng tổ chức nhiều lễ hội và ở Tây Nguyên tổ chức được lễ hội là một minh chứng rõ ràng nhất về khả năng kinh tế của một buôn làng.

Không chỉ xuất hiện trong lễ hội, mùa cây Pơ Lang nở hoa còn là cột mốc để đồng bào biết khi nào Tết đến xuân về. Người Ba Na có câu truyền miệng “Hơ gâm ploong plang rang noh đi sơnăm nao xang truh” hoặc “pơ yan hơ le” nghĩa là “Thấy Pơ Lang nở biết mùa mới về”, mùa mới tức là mùa xuân, mùa tết, mùa chuẩn bị cho vụ rẫy nương năm mới.

Ngày nay, trong đời sống đồng bào Tây Nguyên cây Pơ Lang không chỉ dùng trong tổ chức lễ hội mà còn gắn bó với đời sống thường ngày của bà con với đặc tính mềm, dai, bền, nhẹ. Gỗ Pơ Lang được đàn ông Tây Nguyên sử dụng làm gùi và nhiều vật dụng khác, đặc biệt còn được dùng làm cây Gũh để trang trí hoa văn trên cột gưng (cây Nêu) dựng trên sân nhà Rông vào mùa lễ hội, nhiều nơi khác người ta thường chọn gỗ Pơ Lang để làm tượng nhà mồ. Ngoài đặc tính bản thân của gỗ cây thì cây Pơ Lang cũng chứa đựng trong nó những yếu tố tâm linh để trở thành một loài cây quý.

Biểu trưng cho mỗi nơi, mỗi vùng văn hóa có thể chọn ra rất nhiều đặc trưng từ văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, trong số đó cây biểu trưng cũng mang một ý nghĩa quan trọng. Loài cây đó vượt lên tầm ảnh hưởng như một cây thực vật phổ biến, xuất hiện gần gũi trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn gắn bó với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa để đại diện cho tâm tính, tình cảm của người dân bản địa. Pơ Lang ở Tây Nguyên đã, đang và mãi sẽ là một loài hoa như thế!
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét