Giới thiệu Sử thi tây nguyên
Tây Nguyên là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: ÊĐê, Mnông, Gia Rai, Bana… Các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay vốn giàu lòng yêu nước, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, kiến thiết đất nước, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, từng có lúc đói cơm nhạt muối đồng bào Tây Nguyên vẫn trung thành với cách mạng, với Đảng, Bác Hồ. Tây Nguyên còn là vùng đất với những giá trị lịch sử, văn hoá tinh thần vô giá, vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và đặc biệt là một “vùng sử thi”.
Cũng như thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… Điều thú vị và hấp dẫn ở sử thi Tây Nguyên là những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó với những cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỷ XVI khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng… Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, nhưng đến gần đây, mới được nghiên cứu, khai thác một cách quy mô, sâu rộng.
Cũng như thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… Điều thú vị và hấp dẫn ở sử thi Tây Nguyên là những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó với những cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỷ XVI khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng… Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, nhưng đến gần đây, mới được nghiên cứu, khai thác một cách quy mô, sâu rộng.
Xét ở góc độ vĩ mô, cho đến nay sử thi Tây Nguyên được biết là có đến hơn hai trăm bộ đã được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn. Và số còn lại đã được biết đến nhưng chưa kịp ghi chép cũng có hàng trăm bộ nữa. Đây là một kho tàng văn hoá dân gian khổng lồ, một kho lịch sử- văn hoá vô giá có thể so sánh với kho thần thoại Hi-Lạp nổi tiếng. Nhưng nhiều hơn hẳn (so với thần thoại Hi Lạp) là ở dung lượng của nó. Có những sử thi ngắn mà cũng có tới mấy trăm câu (sử thi H’điêu có 570 câu); có những sử thi khá dài như Đăm San (2077 câu), Khinh Dú (5880 câu), và có những sử thi rất dài, có lẽ dài nhất trong số những sử thi đã được biết cho đến nay là Ot Nrông của người M’nông khoảng 30.000 câu… Có lẽ trong văn học dân gian thế giới, sử thi Tây Nguyên được xếp vào loại có dung lượng lớn nhất. Nhưng điều quan trọng hơn là dù ngắn hay dài, sử thi Tây Nguyên đã phản ánh một cách trung thực, sinh động, đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả mà trung tâm là hình ảnh những người anh hùng (các M’tao) qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường đưa đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh… Một trong những hình ảnh tiêu biểu ấy là Đăm San, người anh hùng của các buôn làng Tây Nguyên.
Điều muốn nói ở sử thi Tây Nguyên là ở cách kể độc đáo. Dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng. Họ là những nghệ nhân, là những “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên. Đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn các nghệ nhân trầm ngâm kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Có lẽ vì được sáng tác theo một loại văn vần đặc biệt của người Tây Nguyên nên người ta dễ thuộc, dễ nhớ đến như vậy. Nhưng còn một lý do quan trọng hơn là tình yêu thiết tha và lòng say mê đối với vốn văn hoá vô giá của dân tộc. Với họ mỗi lần kể sử thi (người ÊĐê gọi là kể khan) là mỗi lần được nhập cuộc, được sống lại không khí cuộc sống cộng đồng cách nay hàng trăm năm… Ai đã được nghe kể khan ÊĐê thì hẳn không quên được ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà rông hay nhà dài, nghệ nhân ngồi kể Sử Thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hoà vào không khí huyền ảo, lung linh.
Ngoài cách kể trên, còn có một cách kể độc đáo hơn. Đó là nằm kể. Nghệ nhân nằm trên một chiếc ghế chỉ dành cho khách quý và là chỗ của giàn cồng chiêng trong các ngày lễ hội lớn. Họ nằm đấy “đầu gối lên một chiếc gối cao, tay gác lên trán, trang nhã và đẹp như một vị tiên”. Và có điều rất kỳ lạ “ông cụ nhắm mắt lại mà kể. Vì sao vậy? Chính ở đây chứa đựng một trong những điều bí ẩn tuyệt diệu nhất của sử thi Tây Nguyên…” (Nguyên Ngọc).
Như vậy, với những giá trị văn hoá tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể khan hay kể sử thi nói chung là những việc làm cấp thiết và có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Đây có thể là sự sống còn của một cộng đồng, một dân tộc. Bởi lẽ văn hoá là nguồn gốc sự sống của mỗi dân tộc và sử thi Tây Nguyên là yếu tố văn hoá sâu đậm nhất. Bởi lẽ trong đời sống của người Tây Nguyên xưa nay, văn hoá phi vật thể mà Sử thi là một yếu tố, một bộ phận quan trọng có ý nghĩa to lớn có những tác động trực tiếp và gián tiếp trong đời sống của đồng bào. Nhưng gần đây trong các buôn làng Tây Nguyên việc đêm đêm các con cháu, buôn làng tụ tập về nhà rông hay nhà dài, nghe già làng kể sử thi đã thưa vắng. Và một điều đáng nói là lớp người kế tục công việc của những nghệ nhân thì hầu như chưa được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đúng mực trong khi lớp nghệ nhân- già làng thì ngày một vắng bóng dần…
Văn hoá cũng như đời sống xã hội vẫn luôn tịnh tiến về phía trước. “Phải giữ lại giá trị văn hoá của người trước” câu nói của nghệ nhân Ae Jek (ở xã Ea Bhôk, Krông Ana- Đắk Lắk) tại liên hoan Dân ca, Dân vũ Tây Nguyên lần thứ II (năm 2004) làm vơi đi nỗi băn khoăn của bao người hằng quan tâm đến văn hoá “vùng Sử thi”. Và thực tế đã có những điểm sáng trong bức tranh về đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. Một trong những điểm sáng ấy là việc tổ chức truyền dạy kể khan ÊĐê trong các buôn làng Tây Nguyên với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Đó là việc gần đây UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã phối hợp tổ chức lớp truyền đạt hát kể khan cho nhiều học viên, trong đó chủ yếu là các em học sinh, thanh niên của xã Ea Tul. Mong rằng ngày càng có nhiều hơn những việc làm như thế trong đời sống hôm nay để xứng đáng với những giá trị văn hoá tinh thần mà cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã để lại. Đồng thời góp phần xây dựng “một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng đã chỉ ra.
HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG CA, SỬ THI TÂY NGUYÊN
Là sản phẩm đích thực của nền văn minh nương rẫy, trường ca thường là những câu chuyện kể dài, có vần, có điệu, thậm chí có vùng còn được diễn tả hoặc minh họa bằng động tác, bằng hành động. Độ dài ngắn của trường ca cũng khác nhau. Có tác phẩm chỉ kể một hai đêm, nhưng có tác phẩm kể bốn, năm ngày chưa hết (tùy theo sức tưởng tượng phong phú hoặc trạng thái thăng hoa của người kể). Trường ca thường chỉ kết thúc khi người anh hùng hoặc nhân vật trung tâm đã đạt mục đích nào đó. Đặc biệt các trường ca của tộc người Mnông (ot n’trong) thường có độ dài gấp đôi trường ca của các tộc người khác. Nếu so sánh với những truyện thơ dài như : Đẻ đất đẻ nước, Hùy Nga – Hai Mối của người Mường, Xống chụ xôn xao của người Thái… hoặc so với cả các trường ca Ramayana của Ấn Độ, hay Iliat – Ôđixê của Hy Lạp thì các trường ca, sử thi Tây Nguyên có bản hơn gấp mấy lần cả về số lượng, độ dài hơi của tác phẩm lẫn số lượng nhân vật xuất hiện trong câu chuyện. Theo tư liệu đã công bố của các nhà sưu tầm, ở Tây Nguyên hiện đã có các sử thi, trường ca sau đây được biết đến :
1. Khan của người Êđê ở DăkLăk :
- Dam San (ba bản của Sabachie, Ywang Mlô Duôn Du & Đỗ Hồng Kỳ sưu tầm )/ Dam San thời thơ ấu / Chàng M’hiêng/ M’Drong Dăm / Dăm Di đi săn / Khinh Du / Dăm Ktek Mlan / Nàng H’Bia Jâo, Dăm băng Mlan…
2. Hri của người Jrai ở tỉnh Gia Lai :
- Xinh Nhã / Dăm Phu / Gi Dông / Jing Chơ Ngă/ H’Bia Drang…
3. H’amon của người Bana ở Gia Lai :
- Gyông Gyơ/ Gyông Dư/ Dăm Noi / Gyông nghèo tám vợ / Gyo Doi…
4. H’amon của người Bana Rngao ở Kon Tum :
- Dăm Dư lưu lạc/ Hai anh em mồ côi / Hrit cứu nàng Bia Rang Hu / Gyông Gyơ đánh đại bàng …
5. H’amon của người Bana Chăm ở Phú Yên :
- Xing Chion / Anh em Chi Blơng / Tiếng cồng nàng H’Bia Lơ Đá /Xing Chơ Nhiếp…
6. Ot N’trong của người Mnông ở DakLak :
- Cây nêu thần / Mùa rẫy bon Tiăng. / Truyền thuyết núi Nâm Nung/ Bông – Rông và Tiăng / Ndu thăm Tiăng/ Chàng Lêng…
Những trường ca, sử thi đã được Viện Nghiên cứu văn hóa biên dịch và xuất bản, trong đó có các sử thi, trường ca của người Xơđăng, akha của người Chăm, akha jur car của người Raglai chúng tôi chưa hệ thống hết.
Trường ca Tây Nguyên ở khía cạnh nào đó, được coi như là những biên niên sử về quá trình hình thành và phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống cộng đồng của cư dân các tộc người trên dãy Trường Sơn . Vì vậy, nó mang trong mình tính sử thi. Nhưng nếu gọi toàn bộ trường ca Tây Nguyên là sử thi thì có lẽ chưa hoàn toàn chính xác, nên tách trường ca Tây Nguyên ra làm hai hệ thống :
a. Hệ thống những trường ca mang tính sử thi
Những trường ca Tây Nguyên mang tính sử thi thể hiện trong nó không chỉ sự hình thành trời đất, con người mang yếu tố thần thoại, mà còn cả quá trình hình thành và phát triển của lịch sử xã hội, phản ánh rõ nét phong tục, tập quán của các tộc người ở Tây Nguyên, tạo nên một bức tranh toàn cảnh sinh động, là lời tự thuật của mỗi tộc người về chính mình, như : Dam San, Khinh Du, H’Bia Jâo, Dam Di đi săn... của người Êđê, Gyông nghèo tám vợ, Dăm Noi, Xing Chion, Xing Chơ Nhiếp… của người Bana; Xinh Nhã, Dăm Phu, H’Bia Drangcủa người Jrai; hệ thống những sử thi của người Mnông như : Mùa rẫy bon Tiăng, Cây nêu thần, Kể dòng con cháu Mẹ Chep…
b. Hệ thống các trường ca sinh hoạt :
Hệ thống các trường ca sinh hoạt gồm các chuyện hát kể dài hoặc ngắn dưới hình thức diễn xướng có giai điệu, có hoặc không có minh họa. Hình thức này chiếm ưu thế hơn trong thể loại trường ca Tây Nguyên, đặc biệt là hệ thống trường ca của tộc người Bâhnar. Tác phẩm chỉ đơn thuần là những câu chuyện dài, hát kể về sinh hoạt đời thường, về tình yêu đôi lứa, về cuộc đấu trí giữa con người trần gian với các vị thần thánh, mà không phải lúc nào các vị phần cũng chiến thắng, như trong các tác phẩm Gyông Dư, Xét và Rôk, Tre Wăt ghen ghét Giông... của người Bâhnar;Dăm Kteh Mlan, Dan San thời thơ ấu, chàng M;Hiêng của người Êđê…
Cả hai hệ thống này chỉ giống nhau ở cách thức lựa chọn và xây dựng các hình tượng nhân vật : Có thể có một người, nhưng cũng có thể gồm nhiều người. đan xen quanh những nhân vật chính đó là cảnh sắc thiên nhiên và sinh hoạt cộng đồng các tộc người Tây Nguyên. Các trường ca đã thể hiện những ước mơ ngàn đời nay của chung tất cả những cư dân canh tác lúa rẫy là mong mỏi có một cuộc sống bình an, không bị các thế lực xấu hãm hại, có hạnh phúc lứa đôi và một thiên nhiên trù phú để tạo dựng nên đời sống vật chất của buôn, plei không chỉ dồi dào, no đủ, mà còn giàu có; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của ông bà…
Điều đáng lưu ý là đồng bào Tây Nguyên phân biệt khá rõ trong cách gọi của mình về các thể loại văn chương truyền miệng. Ví dụ như người Êđê gọi trường ca (hát – kể) là klei khan (có vùng là akhan, ghan, k’han), truyện cổ tích (kể) làklei đưm và lời nói vần là klei duê, còn luật tục là klei bhian kđi. Trong tiếng Xơđăng : Toi kiă là kể, toi kia rnghia là hát-kể. Do đó rất cần có những công trình nghiên cứu thấu đáo hơn nữa về ngôn ngữ của các tộc người đã sản sinh ra một trong những hình thức văn chương truyền miệng độc đáo như thế. Và nên chăng đã đến lúc chúng ta cần có sự phân biệt rạch ròi giữa trường ca và sử thi, trả lại cho chúng những giá trị đích thực của văn hóa dân gian?
1. Nội dung các trường ca, sử thi
Nội dung các trường ca thường rất đa dạng và phong phú. Thông qua vai trò diễn xướng của nghệ nhân, người nghe có thể hiểu sự ra đời của con người (“hòn đá đẻ ra một trăm con người. Dòng thác sinh ra một nghìn con người: – trường ca Mnông). Sự hình thành trời và đất (“một nắm đất Rong đắp núi Nâm Bỉh, kéo cây Nrông hóa thành con sông” – trường ca Mnông); biết rõ về phong tục mẫu hệ trong tộc người Êđê, Jrai; phụ hệ trong dân tộc Bana, quần hôn trong người Mnông; tập quán : Mua bán, đổi chác, canh tác nương rẫy, săn thú trong rừng, bắt cá dưới suối, cưới xin, ma chay…, phong cách đối nhân xử thế, tính cộng đồng, khát vọng chống kẻ thù, gìn giữ xây dựng và bảo vệ buôn, plei giàu có, vững mạnh. Đặc biệt, khát vọng tự do hôn nhân, tình yêu đôi lứa thủy chung v.v… thì hầu hết trong tác phẩm nào cũng được phản ánh rõ nét. Các trường ca thường nghiêng về kết thúc có hậu bằng sự chiến thắng hoặc trở nên giàu có, hùng mạnh của các nhân vật trung tâm. Gần đây, trong một số trường ca sưu tầm được ở vùng đồng bào Bâhnar Rngao quanh thị xã Kon Tum, xuất hiện môtip chuyện kết thúc không có hậu, có sự trả thù giữa cha con, anh em, dòng họ… Tuy nhiên, nội dung này không nhiều. Tóm lại, qua các trường ca, chúng ta có thể nhận biết được một thông tin về xã hội Tây Nguyên cổ xưa.
Hầu hết các trường ca, sử thi thường là truyện dài kể về nhiều đời của một hoặc nhiều gia đình, đan xen vào nhau, có liên quan đến nhau. thậm chí số lượng nhân vật chính xuất hiện trong trường ca rất đông, lên tới vài chục. Các trường ca đa phần xoay quanh các chiến công của những người anh hùng, không chỉ để thắng kẻ ác bảo vệ và giữ gìn sự yên vui của buôn làng, hạnh phúc của từng gia đình, như làng Lêng (Mnông), Khinh Du (Êđê)… mà còn chống lại cả những thế lực nước ngoài, hoặc lượng siêu nhân đen tối, như Thác Leng Gung (Mnông), mở mang ảnh hưởng, làm tăng thêm sự hùng mạnh của bộ tục bằng của cải hay nô lệ chiếm được sau những cuộc chiến tranh, như chàng Xing Mnga (Jrai); thậm chí còn cả gan chống lại sự khắc khe, vô lý trong luật tục lạc hậu của cộng đồng, như Dam San (Êđê) – chống lại tục nối dây, mẫu quyền.
Bên cạnh những nhân vật này còn nổi lên hình ảnh những người phụ nữ không chỉ xinh đẹp, đảm đang mà còn dũng mãnh bảo vệ tình yêu, như H’bia Lênh Long (trường ca Xing Chion – dân tộc Bana). Trong tình yêu, thậm chí còn can đảm hơn cả các chàng trai, dám vượt qua luật tục khắt khe của cộng đồng mình để được sống với người mình yêu, như H’Bia Linh Pang (trong trường ca Dam Kteh Mlan – dân tộc Êđê), hay nàng Bia Rang Hu (trong trường ca Chàng Hrit – Dân tộc Bana Rngao).
Những chiến công to lớn, tinh thần xả thân vì cộng đồng của những nhân vật anh hùng; cảnh sống sung túc, hòa bình; hình ảnh rất đẹp của những người phụ nữ tiêu biểu trong chế độ mẫu hệ Tây Nguyên hòa quyện trong một thiên nhiên tươi đẹp và hào phóng, chính là hỉnh ảnh lý tưởng, khát vọng , ước mơ vươn tới, là hình mẫu tôn thờ của cư dân vùng đất đỏ bazan.
Có thể điểm qua nội dung chính một số trường ca quen thuộc và phổ biến của một vài tộc người ở Tây Nguyên như sau :
a. Khan Dam San của người Êđê tỉnh DakLak
Đây là một tác phẩm rất phổ biến trong cộng đồng người Êđê. Hai bản chính đã được phát hành là bản sưu tầm của công sứ Pháp Sabachie từ năm 1927, do nhà nghiên cứ văn hóa Nguyễn hữu Thấu. Bản thứ hai của cụ Ywang Mlô Duôn Du sưu tầm sau năm 1975. Gần đây, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdam cùng với Y Khem Niê cũng đã giới thiệu với bạn đọc trường ca Dam San thơ ấu do cụ Aê Wưu (buôn Sah, xã Ea Tun, huyện Cư Mgar, tỉnh DakLak) kể. Viện Nghiên cứu văn hóa năm 2006 cũng đã xuất bản Dăm Săn do Y Wơn Kna & Đỗ Hồng Kỳ sưu tầm.
Để trở thành một tù trưởng hùng mạnh, Dam San theo tục nối dây phải kết hôn với hai người vợ của ông mình là H’Nhi và H’Bhi. Buộc phải từ bỏ người yêu là H’Bia Điêt Klưt, nhưng vẫn không cam chịu ép mình theo luật tục, Dam San đã lên tận trời khiếu kiện, bày ra những thử thách để thoát khỏi cuộc hôn nhân theo nghĩa vụ này, kể cả việc muốn bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ (đi ngược lại tập quán mẫu hệ của người Êđê). Vùng vẫy muốn thoát ra khỏi luật tục, nhưng chàng vẫn là một tù trưởng dũng cảm, biết chăm lo đến đời sống cộng đồng và luôn đánh thắng những tù trưởng ác để bảo vệ gia đình và sự sống còn của buôn làng. Cái chết của Dam San trong rừng đầm lầy khi đi tìm nữ thần mặt trời chính là kết cục tất yếu cho kẻ đơn thương chống lại luật tục khắc nghiệt của cộng đồng.
Trong trường ca này vai trò của cá nhân người anh hùng Dam San được đề cao, kể cả việc chấp nhận hy sinh để chống lại luật tục mẫu hệ, và cũng là đi tìm ánh sáng (Nữ Thần Mặt Trời) đem về cho buôn làng. Nhiều tập tục, sinh hoạt của xã hội Êđê cổ truyền được tái hiện lại rất sinh động, như : Tập quán ở, hôn nhân, lễ cưới, tập quán làm rẫy, săn bắt. Tính chất sử thi của khan Dam San rất đậm nét.
b. Khan Dăm Di của người Êđê ở ĐakLak (các ông Y Yung, Y Đưp, Ngọc Anh sưu tầm)
Nhà Dam Di có bốn anh chị em. Dam Di là anh cả, Xing Mưn thứ hai, nàng Bra Etang xinh đẹp thứ ba và cuối cùng là em út Xing M’nga tài ba. Nàng Bra Etang là cô gái múa đẹp nhất vùng. Ba anh em trai nhà Dam Di đều là những chàng trai dũng cảm. Gia đình họ là đầu làng. Buôn của họ đông đúc, giàu có. Chán ăn thịt chim thú, họ rủ dân làng và nô lệ vào rừng tìm đọt đoác, guôn – mây về ăn.
Dọc đường đi họ gặp làng của những người góa, gái chưa chồng. Chàng Xing Mưn mê mẩn các cô gái nên tụt lại phía sau. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua bao chặng đường rừng hiểm trở, mọi người cũng đến được nơi chặt guôn mây, đọt đoác non và tốt, rồi cùng nhau trở về.
Trên đường về, Xing Mưn khát nước, trong lúc đi tìm nước uống, chàng gặp nàng H’Bia Blao trên chòi giữ rẫy, nàng giữ chàng ở lại ăn cơm. Nhưng không ngờ lại xảy ra chuyện xích mích, dẫn đến cuộc vật lộn giữa chàng Xing Mưn với chàng Prong Mưng, nên ba anh em nhà Dam Di bị kéo vào cuộc thi tài, đấu sức. Nhờ sự tài giỏi của chàng Xing M’Nga, anh em nhà Dam Di thắng cuộc. Anh trai của H’Bia Blao là chàng Chi Mrế phải gả em gái cho Xing M’Nga. Nhưng Xing M’Nga nhường anh cả là Dam Di lấy vợ trước. Hai bên hứa hôn.
Anh em nhà Dam Di trở về buôn, cùng nhau làm một chiếc diều rất to. Tiếng sáo diều của họ vang dội. Dam Di cho diều bay tới nhà vợ chưa cưới là H’Bia Blao. Chi Mrế bội lời ước, ép H’Bia Blao chạy trốn. Nhưng hai anh em chạy tới đâu, chiếc diều cũng theo tới đó. Cuối cùng Chi Mrế đành đem em ra ở làng của Dam Chút ở ngoài đảo xa. Diều của Dam Di vẫn vượt biển theo tới. Anh em Dam Di cũng theo đường dây của diều ra tận bờ biển. Họ đón một con tàu nước để vượt biển, đi đánh Dam Chút và Chi Mrế. Cuộc thủy chiến diễn ra quyết liệt. Anh em Dam Di thắng, đưa được người đẹp H’Bia Blao về đất liền.
Khan Dam Di giàu chất trữ tình, thể hiện tình yêu trai gái bằng nhiều ngôn ngữ và hình ảnh đẹp. Mặt khác nó cũng phản ánh tập tục hôn nhân và xã hội Êđê cổ truyền, lúc này đã không chỉ trong phạm vi núi rừng nữa, lần đầu tiên hình ảnh biển cả, những con tàu vượt biển (tàu nước) xuất hiện trong khan. Con người đã vượt qua được không gian, ước mơ chinh phục được biển cả, làm chủ thiên nhiên. Khan Dam San mang tính sử thi rõ rệt.
c. H’amon Anh em Chi Blơng của người Bana Chăm tỉnh Phú Yên (Ka Sô Liễng sưu tầm).
Gia đình anh em Chi Blơng đang sống yên lành thì bị yang Lửa – kẻ chuyên môn cậy giàu cậy mạnh đến đánh. Gia đình buôn làng tan tác. Anh em chi Blơng phải bỏ quê hương chạy dạt đi nơi khác, được bà Mơ Krơn đưa về cho Vua nước nuôi. Đến ngày trưởng thành, bốn anh em cùng chung sức với nhiều làng khác đã từng bị Yang Lửa ức hiếp, đánh thắng lại Vua Lửa và con rắn chín đầu. Ngay sau đó họ lại phải đi tìm cây roi sắt để đánh nhau với thuồng luồng giải thoát cho nàng H’Bia Ta Lúi. Việc vừa xong, Vua nước, người đã cưu mang bốn anh em lại đề nghị họ đi tìm về cho ông cây hoa bắp thơm. Vượt qua nhiều gian khổ, trong đó có cả việc đánh nhau với Kdăm Djông để lần thứ hai giải cứu cho nàng H’Bia Ta Lúi và mang về cho Vua Nước cây hoa bắp thơm.
Vua Nước mời các làng đến để bàn việc lựa chọn người thay thế ông làm vua, vì nay ông đã quá già. Nhờ sự giúp đỡ của H’Bia Ta Lú, chỉ trong một ngày các già làng trên khắp cả vương quốc của Vua Nước đã tập trung về đầy đủ. Mọi người nhất trí tôn người em út của Chi Blơng là Chi Tơm lên làm vua. Đến lúc này mọi người mới được xem hoa bắp thơm mà anh em Chi Blơng đã đem về. Đêm ấy mưa to gió lớn, cây hoa mọc thành lùm xanh và thơm ngát cả vùng. Mọi người mở hội ăn mừng cây hoa lạ.
Sau này, vì các con cháu trong cùng một dòng họ kết hôn với nhau, nên cây hoa quý chết rụi. Người ta trồng một cây cột tre và những cột phụ xung quanh, để nhớ lại cây hoa bắp thơm. Mọi người múa xoang, đâm trâu cúng tế các thần linh quanh cây cột ấy. Tục xoay cột nêu đâm trâu có từ đó.
Trong trường ca này, vai trò của bốn anh em đều được đề cao, tuy nhiên có nhấn mạnh đến chiến công của người em út Chi Tơm. Chuyện được mở ra trong phạm vi rộng, cả trên trần gian lẫn dưới nước với những vị vua (Vua Lửa, Vua Nước, Vua Rùa, Vua Sắt…), những cây roi thần, áo giáp chống nóng, các loài ác quỷ, các hoa lạ có bắp thơm… Truyện mang nhiều yếu tố thần thoại hơn tính sử thi.
d. H’amon Dăm Hdang bắt cóc nàng Bia Luy của người Bana Rngao tỉnh Kon Tum (Ngọc Quang, Kim Hưng sưu tầm)
Chàng Dăm Hdang mồ côi lại nghèo, đã bắt cóc nàng Bia Luy xinh đẹp. Bị các chàng trai trong làng và chú của Bia Luy là Ma Dông, Ma Wăt đuổi theo, Dăm Hdang đành trả lại Bia Luy. Nhưng đám trai tráng quyết đánh chết chàng. Dăm Hdang chạy trốn vào nhà người anh kết nghĩa là H’Yâo Kông. Vì tình anh em, H’Yâo Kông giúp Dăm Hdang đánh lại. Đám trai làng được chàng Giớ tài giỏi nên chém chết H’Yâo Kông. Chàng rơi xuống nhà người yêu là Bia Rang Manh, được nàng dùng phép cứu sống. Còn Dăm Hdang thì chịu hòa giải về sống trong làng Ma Dông, Ma Wăt.
H’Yâo Kông rủ thêm bạn bè và Jrai Lao đi đánh Ma Dông, Ma Wăt, bắt cả bọn đem bán cho bộ tộc Pơm. Nàng Bia Rang Pơm thích chàng Giớ, nên dùng phép thần cứu được. Hai bên tiếp tục đánh nhau nhiều năm mà vẫn không phân thắng bại. Làng Ma Dông, Ma Wăt nhờ có thêm ông Rơh giúp sức nên cuối cùng giành được phần thắng. Cuối cùng Dăm Hdang cũng lấy được nàng Bia Luy.
Đây là câu chuyện đánh nhau tranh giành một cô gái đẹp là Bia Luy giữa thanh niên các làng. Truyện không mang tính sử thi. Kết cấu truyện đơn giản, ít lời văn hay. Rất nhiều trường ca của người Bâhnar Rngao chỉ là những câu chuyện sinh hoạt mang tính giải trí như “ Chàng mồ côi, Gyông Gjơê, Dăm Dang đánh chim đại bàng”…
e. Ot n’trong Mùa rẫy bon Tiăng của người Mnông ở Đăk Lăk (Điểu Kâu, Tấn Vịnh sưu tầm).
Bon lan (làng) Tiăng làm ăn sung túc, luôn luôn được mùa. Suốt đủ trăm gùi lúa, chàng Tiăng mở hội làm lễ cúng tạ ơn các vị thần linh. Lời khấn của chàng đến tai Thần ác Sơng và Dong Kon Nghe. Không muốn cho bon lan được hưởng no ấm, hai thần quyết tâm làm hại, đánh lừa các vị thần coi sóc mưa gió để làm chàng Tiăng mất mùa. Biết tin, chàng Lêng quyết tâm đi tìm các thần tốt bụng để cứu bon lan của Tiăng. Nhờ sự ứng cứu kịp thời của chàng Lêng, bon lan được cứu sống, thoát khỏi cái đói.
Chàng Lêng lại tiếp tục đi tìm hỏi tội các vị thần ác, nhờ sự giúp đỡ của thần Nơdu, thần Yang Kon Kong và một số dũng sỹ, họ phải trải qua những cuộc đọ sức rất gay go mới chặt ngã được cây linh hồn (cây Nghe) của hai vị thần ác.
Trong trường ca này, thông qua việc phản ánh đời sống sản xuất của bon Tiăng mà kể về những chiến công và tấm lòng thương người của dũng sỹ Lêng (một nhân vật anh hùng rất quen thuộc trong các trường ca, sử thi Mnông). Trường ca vừa mang yếu tố thần thoại vừa phản ánh được những nét sinh hoạt, việc sản xuất, tín ngưỡng của tộc người Mnông.
g. Ot n’trong Cây nêu thần của người Mnông ở Dak Lak (Điểu Kâu, Tấn Vịnh sưu tầm)
Bon Tiăng đã nhiều lần tổ chức ăn trâu lớn, danh tiếng vang dội khắp trong vùng. Bon Kon Kop cũng giàu có, có nhiều người tài giỏi, nhưng chưa có lễ ăn trâu nào được coi là xứng đáng với sự giàu có ấy. Những người đầu làng Kon Kop muốn được nổi tiếng như bon Tiăng, nên nhờ tới chàng Lêng, người có tiếng là làm cây nêu giỏi đến giúp đỡ.
Chàng Lêng, nhờ sự giúp đỡ của các thần linh, đã làm được một cây nêu rất đẹp, đem đến cho lễ ăn trâu của bon Kon Kop, mọi nhà ai cũng khâm phục sự tài giỏi của chàng Lênh.
Nhưng bon Kon Kler lại lấy làm ghen tức với sự giàu có và bình yên của bon Kon Kop. Giữa lúc cả bon Kon Kop đang vui vẻ trong lễ hội uống rượu, ăn trâu thì bị Ting, Mbong bon Kon Kler đến thổi ngải làm hại, cướp vợ của chàng Tiăng, Yang và cướp luôn cả cây nêu thần.
Nhờ các vị thần linh giúp đỡ, bon Tiăng và bon Kon Kop đánh thắng người của bon Kon Kler, giành lại được vợ và nô lệ.
Câu chuyện xoay quanh việc miêu tả những sự liên quan đến các lễ hội có ăn trâu. Ôt N’trông cây nêu thần là một tác phẩm mang tính sử thi, phản chiếu nhiều nét văn hóa, lễ hội, phong tục… của người Mnông.
h. Nàng H’bia Đơrang của người Jrai ở Gia Lai (Thu Hà, Trịnh Kim Sung, Rmah Deh sưu tầm).
H’bia Đơrang là con gái nhà Trời, vì yêu chàng Rít nên nhiều lần làm phép để chàng không thể làm quen với bất cứ cô gái nào dưới trần, và lén bay xuống trò chuyện làm quen với Rít. Nhờ ông chú là thần nước mách bảo, Rít dấu đôi cánh của Đơrang, nàng đành phải ở lại trần gian làm vợ Rít. Hai người có một con trai là Dam Kơ Mong. Trong lúc Rit đi làm rẫy mới xa nhà, thấy Dam Kơ Mong khóc, em của Rít là Sét chỉ chỗ chị dấu bộ cánh để dỗ cháu. Sét cũng thích nên thường đòi chị bay cao cho mình xem. Vì bay quá cao, gió đưa Hbia Đơrang đi không quay trở lại được. Sét vội vàng đi tìm rít báo tin xấu. Hai cha con Rít xuống nước xin ông chú rèn cho đôi canh để bay lên trời tìm lại Hbia Đơrang. Lên đến trời, Rít phải đánh thắng chú của vợ mới được đưa Hbia Đơrang về trần gian.
Con của họ là Dam Kơ Mong lớn lên đẹp trai, khỏe mạnh. Muốn thử sức mình, chàng xin đi đánh Kơ Roay Giăng, vì đây là một người luôn sẵn sàng đánh nhau bất cứ ai. Nhờ được vợ Kơ Roay Giăng giúp đỡ, Dam Kơ Mong đánh thắng, lấy luôn vợ của Kơ Roay Giăng làm vợ của mình.
Đây là một loại trường ca sinh hoạt, kể về tình yêu của đôi trai gái Hbia Đrang và Rít, không mang tính sử thi.
i. Hri Xinh Nhã của người Jrai ở Gia Lai (Yiêng, Yông, Ksor Blêu sưu tầm)
Vợ chồng Ya Rơ Kốt – Hbia Đá chịu khó làm ăn nên gàu có. Họ có một con trai đặt tên là Xinh Nhã. Ngày làm lễ thổi tai cho con vợ chồng Ya Rơ Kốt mời bạn là Ya Rơ Bú tới dự. Vốn đã sẵn ganh tỵ với sự giàu có của Ya Rơ Kốt lâu nay, nên chỉ có một mình vợ là Hbia Guê bịa đặt chuyện nói xấu Ya Rơ Kốt với chồng khiến Ya Rơ Bú nổi giận, kéo nô lệ tới đốt làng, giết Ya Rơ Kốt rồi bắt H’Bia Đá về làm nô lệ.
Xinh Nhã được ông Gỗn cứu thoát, giao cho vợ chồng Xinh Yuê nuôi. Lớn lên Xinh Nhã gặp và yêu nàng Bra Tang, được nàng kể cho hay ai là kẻ đã phá tan nát gia đình chàng. Xinh Nhã tìm đến buôn của Ya Rơ Bú. Được H’Bia Blao giúp đỡ chàng đánh thắng Ya Rơ Rú, cứu mẹ, trả được thù cha.
Để trả công H’Bia đã giúp mình, Xinh Nhã lấy nàng làm vợ còn Bra Tang thì lấy chàng Xing Mưn dũng cảm.
Chuyện mang nhiều yếu tố anh hùng ca, chống áp bức.
Trên đây là một số trường ca rất được yêu thích và phổ biến rộng rãi trong các vùng người Êđê, Mnông, Jrai, Bana.
Có một điều rất đáng lưu ý là : Trường ca ở Tây Nguyên thuộc thể loại văn chương truyền miệng, truyền từ đời này sang đời kia, vùng này sang vùng nọ, chứ chưa thành văn học thành văn. Mỗi một người kể lại thêm thắt, lại sáng tạo và tái tạo theo tư duy riêng của mình, mà “tam sao” thì bao giờ cũng dễ dẫn đến “thất bản”. Cho nên các bản không thể gọi là cùng một nội dung, mà nó chỉ na ná và không thể tìm ra những câu chuyện hoàn toàn giống nhau. Mỗi bản trường ca vốn có tính độc lập riêng của nó, mà trong nghiên cứu văn học dân gian vẫn thường gọi là dị bản.
Do đó những phần về Dam San mới được sưu tầm ở DakLak cũng là những dị bản có sáng tạo của từng nghệ nhân.
Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ rằng : Do tư duy tưởng tượng của nghệ nhân cũng rất mãnh liệt và phong phú – nếu chỉ là những trường ca do một người kể – thì rất có thể câu chuyện kéo dài tới hàng ngàn câu, bởi sự nối tiếp trong tư duy sáng tạo của người kể. Cũng như không thể hỏi đâu là quê “gốc” của Dam San, mặc dù vẫn có những địa danh hay di tích cụ thể (như hòn đá và bến tắm của làng Dam San ở Ea Tul (huyện Cư Mgar), hoặc hồ nước Dam San biến thành con heo trắng chui xuống lòng đất (ở huyện Mđrăk), hay nguồn nước mạch ở núi Nâm Gung Kler (ở huyện Quảng Trực) là do nàng Kông gội đầu bằng nước cơm rồi đổ vào đó mà thành (những di tích trên đều thuộc tỉnh DakLak và tỉnh Dak Nông). Hoặc Vực Tông A (ở Ayun Pa – Gia Lai) là kết quả việc làm vì tình yêu của chàng Tông, để lấy cho được người cháu cùng họ… Tuy nhiên, đây chỉ là sự chuyển hóa của từng nghệ nhân cho thích hợp với con người và thiên nhiên của vùng mình mà thôi.
2.HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TRƯỜNG CA, SỬ THI TÂY NGUYÊN
Có nhiều loại nhân vạt, với nhiều tính cách xuất hiện trong sử thi, trường ca của các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhưng các nhân vật trung tâm bao giờ cũng là những chàng trai cô gái khỏe đẹp, dũng cảm, có hoặc không có phép thần thông, hay có thể được sự giúp đỡ của thần linh. Đối lập với những hình ảnh này là một loạt các nhân vật phụ hung ác, cướp của, bắt người, muốn mở rộng phạm vi lãnh địa và quyền lực. Có thể xép nhân vật trong các trường ca thành mấy nhóm như sau :
a. Nhóm các anh hùng dũng mãnh :
Họ là các tù trưởng hùng mạnh, có lòng can đảm, sẵn sàng xả thân chăm lo đến sự sống còn của cộng đồng như Dam San, Dam Di, M’trong Dăm… Bao giờ bên cạnh họ cũng có những người con gái vừa đẹp vừa thủy chung, vừa giỏi giang, đã góp phần vào những chiến thắng của người anh hùng như H’Nhi, H’Bhi, H’Bia Jâo… trong hệ thống trường ca Êđê.
b. Nhóm các chàng có xuất thân mồ côi nghèo khổ : Như Hrit, Gyông Dư, Xét, Xing Chơ Nhiếp. Gyông – Gyơ hoặc nấp dưới cái vỏ nghèo khổ, bệnh tật hay lười biếng nhưng họ lại có phép thần, hoặc được các Yang phù trợ. Bên cạnh họ là các nàng Bia Lúi, Bia Phu, H’Bia, Lênh Long, Bia Jat… không chỉ xinh đẹp mà còn có phép lạ như trong các H’amon của người Bana.
c. Nhóm trở thành danh tiếng nhờ đánh nhau : Như các chàng Xinh Nhã, Xing Mnga, Xing Chion thắng trong những cuộc đánh nhau trả thù cho gia đình hay dòng họ hoặc tranh giàng ảnh hưởng, cùng với họ là các nàng Bra Tang, Bia Rang Rai… yêu mãnh liệt và thủy chung, trong các hri của người Jrai.
Nhóm các chàng Tiăng, lêng, Ndu… cùng với các người đẹp Diăn, kết, Mai… trong hệ thống ôt n’trông của người Mnông.
Nhóm các tù trưởng, những người anh hùng bao giờ cũng được gắn với vẻ đẹp, sự giàu sang, tinh thần dũng cảm kiên cường và chiến thắng (nếu có thua thì dòng họ, con cháu sau này cũng vẫn chiến thắng kẻ thù). Họ giàu có vì sự tích lũy của cải, sự bội thu trong mùa màng, chứ không phải do đi đánh cướp các bộ tộc khác. Hình ảnh của họ trong cộng đồng bao giờ cũng “đẹp, dũng cảm và hùng mạnh”. Ví dụ như trong trường ca Khinh Dú (Eâđê), nàng H’Bia Su nhắc đến tên chàng Trong Đăn với các hình ảnh : “Chúng tôi thường nghe người ta kể về chàng Trong Đăn giàu có. Chàng là người hùng mạng, như măng mọc mùa hè không bao giờ có bóng mát. Chúng tôi đã biết đến chàng Trong Đăn đẹp trai…”.
Nói đến họ, các nghệ nhân đều dùng những hình ảnh đặc biệt như : “Ngựa chàng Đăm Broăn (Eâđê) nở như ngọn núi, đôi tay to khỏe như cành đa bám lấy gốc đa”.; hay “Khinh Dú cưỡi ngựa nhảy lướt nhanh như gió bão”; hay “Hơi thở Dam San như sấm vang”. Còn chàng Mlo Lia “múa khiên đao nhanh như đại bàng lượn”.
Chàng Gyông Dư (Bana) thì “Sáng chói bắp chân. Sáng chói đầu gối làm trời nổi giông bão đùng đùng”.v.v..
d. nhóm các tù trưởng phi nghĩa :
Đại diện cho những thế lực phi nghĩa hợm của, hiếu chiến, chuyên đi tranh cướp đất đai, gái đẹp để phô trương thanh thế và tranh giành ảnh hưởng như Mtao Mxây, Mtao Grứ, Tơ Dăm Hmă, Dăm Chút… thì trường ca nào cũng thấy xuất hiện.
Với những nhân vật này, các nghệ nhân bao giờ cũng dùng những hình ảnh xứng đáng để miêu tả :
- Mtao Grứ trong Dam San (Êđê) thì “Tiếng khiên nghe chỉ lóc cóc như hạt trong quả bầu khô.
- Ya Rơ Bú trong Xinh Nhã (Jrai) thì “như cái nấm khô rúc dưới lá tranh, lá lau…”
e. Nhóm các vị thần linh :
Ông Gỗn người Eđê; Thần sét của người Bana; Thần Ndu, Yang Kong Puh… của người Mnông; ông Tú của người Jrai… mặc dù là thần linh (Yang) chi phối hoàn toàn đời sống của con người, nhưng các vị này không hề có vị trí cao xa, cách biệt mà được “nhân hóa” trở thành rất gần gũi (thậm chí còn là họ hàng với con người dưới trần thế và thực ra được trân trọng bằng các dũng sĩ, tù trưởng hay người đẹp). Các vị thần linh này cũng có kẻ xấu, người tốt. Thần tốt thì luôn phù hộ, giúp đỡ cho những người anh hùng, cho các buôn làng như ông gỗn, thân fNdu, Yang Kon kong, Kuach Yong… còn thần xấu thì nhỏ nhen, ích kỷ, mang tâm địa xấu xa luôn tìm cách hại người trần, như các thần Liê, thần Sơng, Dong Kon Nghe v.v…
g. Hình ảnh những người phụ nữ :
Quán xuyến chủ đạo trong đa số các trường ca, bên cạnh hình ảnh những người đàn ông anh hùng biết xả thân vì cộng đồng, vì dòng họ là những người phụ nữ cùng cộng đồng khai hóa sản xuất, tạo dựng nên quyền bính trong gia đình và đặc biệt là phát triển nòi giống. Họ cũng được nhắc đến với những vẻ đẹp không ai bì kịp.
- Nàng H’Nhi trong Dam San “Cả người lấp lánh như cái đĩa khiên đồng”.
-Nàng H’Bhi thì “ngón tay như lông nhím, mặt tròn như quả hồng rừng”.
- Nữ thần Mặt trời có “Bước đi như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi”.
- Bin – cô gái Mnông “lời nói như tre nổ. Cặp vú nở tròn như bắp chuối”.
- Nàng H’Y Du của Xing Chion thì “cái miệng tròn như búp hoa bí, nói ngọt như mật ong, bước đi như chim công xòe đuôi múa”.
- Nàng Bin Xin trong Gyông nghèo tám vợ thì “má như trăng khuyết, hồng như hoa tơpung, cằm đẹp như trăng rằm”…
Có lẽ bởi cái đẹp và sự giàu có, hùng mạnh là ước mơ của cả cộng đồng, nên hình ảnh những vị tù trưởng, những nữ chủ nhân… đều được xây dựng nên một cách vô cùng hoàn hảo đến quá mức vậy chăng?
Về các nhân vật trong h thống sử thi, trường ca Tây Nguyên, có nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng : chỉ có một vài nhân vật chủ đạo ví như Dam San của người Êđê, Dam Phu của người Jrai, Gyông Dư và Xét của người Bana, Tiăng – Lêng của người Mnông, hay các người đẹp H’nhi, Bia Phu, Bia Po Xếch, Bia Lúi… từ đó làm nên “những bộ sử thi liên hoàn đồ sộ hàng ngàn trang” (ví dụ như bộ sử thi Dam San v.v…). Nhận xét này có thể chưa hẳn đúng với nội dung hệ thống các sử thi, trường ca Tây Nguyên, làm cho nhiều người ưa thích nhưng không có điều kiện tiếp cận dễ bị ngộ nhận. Cũng có một số khác cho rằng Dam San, Dam Phu, Gyông, H’Bia… chỉ là những tên gọi phổ biến. Điều này chưa có công trình khoa học nào kiểm chứng.
3. Nghệ thuật ngôn ngữ :
Đặc trưng đầu tiên của diễn tấu trường ca Tây Nguyên là hoàn toàn sử dụng hình thức văn chương truyền miệng. Nghệ nhân này kể, nghệ nhân khác nghe, người vùng này kể, người vùng khác nghe, rồi khi kể lại ở nơi mình cư trú lại thêm khắc theo sự tưởng tượng của mỗi người. Cứ thế mà nhân lên, mà lan rộng ra, đào sâu thêm, thông qua tập quán, phong tục riêng của từng vùng. Cho nên, không thể coi văn bản nào là chính thức, là nguyên gốc, nguyên thủy được. Ta chỉ nên hết sức trân trọng sức sáng tạo ngh thuật của các nghệ nhân dân gian mà thôi. Truyện kể dài hay ngắn hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng, óc sáng tạo và sự hưng phấn của người nghệ nhân (Pô Khan) tất nhiên còn phụ thuộc vào cả không gian và thời gian, tức môi trường dành cho diễn xướng. Điều này làm cho trường ca khác hẳn những câu chuyện cổ tích ngắn, chỉ kể về một sự việc, một nhân vật (và không kể bằng giọng điệu hát). Có thể ví trường ca, sử thi như những bộ trường thiên tiểu thuyết bằng văn vần của các tộc người Tây Nguyên.
Nhìn chung. Mạch truyện của các sử thi trường ca phát triển chậm, nhiều chi tiết hoặc các điệp khúc thường lặp đi, lặp lại đến mức nếu đọc thì sẽ trở thành nhàm chán, vì sự đơn điệu, tuy thế qua lời hát – kể bỗng trầm của nghệ nhân, với rất nhiều những hư từ, điều đó không làm giảm sức quyến rủ đối với người nghe, chúng cũng không làm mất đi tính kịch của tác phẩm.
Tính kịch trong các sử thi, trương ca được nghệ nhân (Pô Khan) khéo léo dồn nén diễn tả bằng nhiều sự kiện, ở nhiều thời điểm để tạo sự căng thẳng, hồi hộp cho người nghe. Ví dụ như trước khi xảy ra “chiến sự” còn để cho người ta họp lại uống rượu cần để cùng nhau bàn bạc, cầu xin các vị thần linh, sau đó mới để cho xung đột kịch liệt diễn ra.
Yếu tố thần thoại cũng chiếm vị trí quan trọng trong trường ca, sử thi. Các nhân vật có thể bay lên như chim để đánh nhau trên bầu trời, có thể chết đi sống lại, có thể đánh nhau cả dưới nước lẫn trên trời, trên mặt đất, trong hang sâu hay cả bằng ngọn lửa, các vũ khí có phép thần… Đây là một nghệ thuật kể để không chỉ lôi cuốn tạo sự ngưỡng mộ mà còn gây tâm lý áp đảo đối với người nghe.
Ngôn ngữ sử dụng trong các sử thi, trường ca Tây Nguyên rất độc đáo, với vốn từ vựng rất dồi dào, hoa mỹ và đầy ắp những hình ảnh. Khác với cổ tích, chỉ bằng ngôn ngữ trường ca đã khắc họa nét cá tính các nhân vật, đặc thù của người mỗi vùng rất dễ nhận như : “Người Bih nhiều trâu và mang răng cọp; người Mnông xệ tai, đeo vòng răng gấu; người kinh buôn muối, người Lào buôn voi…”
Tư duy thuần phác của cư dân Tây Nguyên đã làm xuất hiện phong cách phổ biến, hình thành đặc trưng của ngôn ngữ là tu từ, so sánh, tượng hình tuy mộc mạc nhưng đầy màu sắc, như cảnh : “nàng cất bước đi như con gà đang xù lông, con bồ chao đang vỗ cá (cây nêu thần – trường ca Mnông). Ngay cả khi nói đến những vấn đề tế nhị nhất, các nghệ nhân cũng có những cách sử dụng hình ảnh rất tài tình, như cảnh “Nhấp nhô giống như đào củ mài” (Dam Di đi săn – trường ca Êđê).
Cách nói ngoa ngôn, ví von cũng là một đặc trưng khác trong ngôn ngữ của sử thi, trường ca Tây Nguyên, như “mái tóc nàng lợp kín một sàn hiên, rậm rịch như cây knia rợp bóng” (trường ca Dam San). Không những thế, ngoa ngôn còn thể hiện đức tính khiêm nhường, hồn hậu : “Ở nhà tôi ăn trái dưa hết một năm, giã nắm lúa mất hết một giấc ngủ, bửa nắm củi suốt từ sáng đến tối”… (Mùa rẫy bon Tiăng). Dường như ảnh hưởng của thiên nhiên phóng khoáng, kỳ vĩ từ núi rừng, sông suối Tây Nguyên đã làm xuất hiện tính phóng đại cường điệu đó?
Đặc biệt, nhiều trường ca, sử thi còn sử dụng các điệp từ, điệp ngữ, vừa nhấn mạnh vào sự việc vừa nêu được đặc trưng của phong cách diễn tấu ngôn ngữ dân gian, như :
Bon Tiăng ăn trâu không mùa trăng /Bon Tiăng ăn trâu không một tháng (mùa rẫy bon Tiăng)
Hoặc :
Xing Chion búi tóc cha to bằng con voi/Xing Chion búi tóc mẹ to bằng đầu con bò /Xing Chion búi tóc chị to bằng đầu con lợn (Xing Chion)
Chính cách sử sụng ngôn ngữ tưởng như khoác lác mà kỳ vĩ, đã thể hiện được tính chất, tâm lý con người luôn gắn với thiên nhiên tươi đẹp, trù phú; khoác cho trường ca Tây Nguyên chất lãng mạn nguyên thuỷ rất đáng yêu, độc đáo. Đây cũng chính là ngôn ngữ của dân ca, của các truyện thần thoại, cổ tích, lời nói vần… của mọi dân tộc sinh sống trên dãy núi Trường Sơn.
4. Trường ca sử thi trong môi trường văn hóa Việt
Còn một điều đáng lưu ý là : Nhiều chi tiết trong các trường ca, sử thi của Tây Nguyên có thấp thoáng dáng nét của văn chương Việt Nam và thế giới. Ví dụ như trong Thác Leng Gung miêu tả : Bốn lần quân Prum (Trung Quốc) sang đánh cướp tảng đá chuông của người Mnông, lần thứ nhất 3 ngàn quân, lần thứ hai 6 ngày, lần thứ ba 12 ngàn, lần thứ tư 14 ngàn… Người Tây Nguyên cổ không có số đếm đến triệu, đến vạn. Vậy những con số ấy có ứng với các lần, với số lượng mà phong kiến phía Bắc đưa quân sang xâm lược nước Đại Việt không?
Hình ảnh trái tim chàng Đăm Bri (trường ca Mnông) biến thành ngọn lửa đi tìm lại bà con dòng tộc sau thảm bại của cuộc chiến không cân sức. Hay chi tiết dù trái tim của Jơ đã chết, vẫn theo Dang về quê hương v.v… trong trường ca của người Bana Rngao gợi cho ta thấy có điều gì trùng hợp với vở tuồng Đổng Kim Lân của người Việt, khi bị chặt đầu vẫn hiện lên soi đường cho bạn, hay câu chuyện của chàng Đan Cô trong văn học Nga?
Không thể nói các nghệ nhân Tây Nguyên lấy hình mẫu từ những câu chuyện trên, mà chỉ có thể lý giải điều này bằng sự hoà đồng nhưng vẫn mang tính độc lập của văn học dân gian Tây Nguyên với văn chương người Việt và thế giới, là bởi có nguồn gốc từ những mối quan hệ giao lưu văn hoá xa xưa nào đó giữa các nước, các cộng đồng dân tộc trong khu vực và thế giới. Cũng như vậy, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trống đồng của người Việt – Mường, hoặc các di tích Chăm ở nhiều vùng trên Tây Nguyên, hay truyền thuyết Mnông gọi vùng Sài Gòn là Sê Goong (cánh đồng chiêng, nơi tìm ra chiếc chiêng quý). Điều này càng khẳng định vị trí quan trọng của văn hoá dân gian Tây Nguyên nói chung, trường ca, sử thi nói riêng trong hệ thống văn chương truyền miệng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét